Phương pháp ngâm khoáng nóng được coi là “bí truyền tráng kiện” mà người Nhật trân trọng nhiều năm. Tắm khoáng nóng (Onsen) tưởng chừng đơn giản nhưng chính là sự kết hợp ba phương pháp chủ đạo đó là thuỷ trị liệu, nhiệt trị liệu và khoáng trị liệu. Tất cả 3 phương pháp này đều mang lại một lợi ích lớn không ngờ cho sức khỏe, đặc biệt là xương khớp.
“Bí truyền” tráng kiện từ khoáng nóng
Bạn có biết, người Hy Lạp, La Mã, và người Nhật vào hàng nghìn năm về trước đã dùng nước ấm để điều trị chứng mệt mỏi, tinh thần suy sụp và làm lành vết thương. Hy Lạp là một dân tộc tiên phong trong việc khám phá mối liên hệ giữa thể chất và tinh thần. Họ xây dựng rất nhiều phòng tắm công cộng tại những khu vực có sông, suối, hồ để thư giãn và mang tính trị liệu lâu dài. Người La Mã phát minh ra nhiều kiểu tắm khác nhau điển hình như tắm nóng, tắm ấm, đến tắm lạnh. Tại Nhật Bản, một quốc gia luôn tôn sùng phương pháp dưỡng sinh thuận tự nhiên. Tắm Onsen (suối khoáng nóng) vào dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần đã trở thành một nét văn hoá đặc thù.
Từ cổ chí kim, nước khoáng nóng được cho là có tác dụng kích thích hệ thần kinh và hệ tuần hoàn. Ngâm khoáng nóng tuy đơn giản nhưng lại là sự kết hợp giữ ba phương pháp trị liệu hữu hiệu bao gồm thuỷ trị liệu, nhiệt trị liệu và khoáng trị liệu. Phương pháp này mang lại lợi ích không ngờ cho sức khỏe như thư giãn, lưu thông máu, đặc biệt là cơ, xương khớp…
Thuỷ trị liệu từ suối khoáng nóng
Thủy trị liệu là quá trình sử dụng nước khoáng để điều trị bệnh và duy trì sức khỏe lâu dài. Trong một nghiên cứu năm 2005 của bác sĩ Tamas Bender người Hungary có ghi chép: Các bệnh nhân mắc chứng đa xơ cứng khớp sau 40 buổi tập luyện Thái Cực Quyền (Tai Chi) dưới nước thì tình trạng đau nhức, co thắt, trầm cảm và suy nhược đã được cải thiện đáng kể. Theo một nghiên cứu khác được thực hiện trên các bệnh nhân mắc chứng Parkinson tại Tây Ban Nha năm 2011. Nghiên cứu nhằm mục đích so sánh hiệu quả vật lý trị liệu trên cạn và dưới nước. Theo đó, phương pháp vật lý trị liệu dưới nước đã cho kết quả toàn diện hơn. Điển hình mức độ mất thăng bằng tư thế cũng được cải thiện hơn rõ rệt so với trên cạn.
Nhiệt trị liệu
Nhiệt trị liệu là phương pháp điều trị của vật lý trị liệu. Trong đó, phương pháp sử dụng các tác nhân gây nhiệt mang lại hiệu quả điều trị. Tùy nhiệt độ của tác nhân gây nhiệt, chia thành 2 loại: nhiệt nóng và nhiệt lạnh.
Nhiệt trị liệu nóng có tác dụng giãn mạch tại chỗ hoặc toàn thân (thông qua tác dụng tại chỗ và phản xạ), tăng lưu thông máu, giảm đau, giảm phù nề, giảm viêm, tăng tính kéo giãn của các mô liên kết, giảm hiện tượng cứng khớp và tăng chuyển hóa.
Nhiệt trị liệu lạnh có tác dụng giảm đau, đặc biệt đau cấp, giảm viêm (viêm cấp), giảm phù nề (sau chấn thương mới, bỏng), giảm co cứng, giảm sốt và tạo thuận co cơ thông qua tăng tính kích thích của neuron vận động.
Khoáng trị liệu
Khoáng trị liệu là phương pháp sử dụng các chất khoáng có trong nguồn nước khoáng tự nhiên được thấm qua da, để điều trị và tăng cường sức khỏe. Trong đó, 60% trọng lượng cơ thể là nước, lượng nước này được phân bố 80% ở trong tế bào, 20% ở khoang ngoài tế bào (mô kẽ và lòng mạch máu). Ngâm mình trong nước khoáng thiên nhiên giúp cơ thể con người bổ sung các khoáng chất và tăng cường sức khỏe. Thành phần nước khoáng chứa nhiều bicarbonat có tác dụng tốt với người bị bệnh hô hấp mãn tính như hen, tâm phế mạn, người bị bệnh gút, bệnh đái tháo đường, bệnh khớp mạn tính.
Việt Nam – “thiên đường” suối khoáng nóng
Nước ta được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên khoáng nóng nên có khá nhiều điểm du lịch tắm khoáng nóng, điển hình như Thanh Thủy (Hòa Bình); Kim Bôi (Hòa Bình), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Tây Viên (Quảng Nam), Đam Rông (Lâm Đồng) và Bình Châu (Xuyên Mộc). Hiện nay, nguồn khoáng ở Bình Châu có nơi đạt nhiệt độ cao nhất lên tới 82 độ C, được xếp vào mức rất nóng. Chỉ có 16% nguồn khoáng thiên nhiên ở Việt Nam được xếp vào mức này.
Đón đầu xu hướng, các khu du lịch suối khoáng trong nước cũng đang tích hợp các dịch vụ ngâm tắm khoáng nóng khác nhau với các loại hình thủy, nhiệt trị liệu tinh tế như tắm thảo dược, xông hơi nóng lạnh, thải độc cơ thể… nhằm mang đến những liệu trình thư giãn, trị liệu phù hợp với từng thể trạng của khách. Nhờ vậy, du khách dễ dàng cảm nhận được sức khoẻ bản thân được nâng cao, các khớp xương bớt mệt mỏi và tinh thần thoải mái thả lỏng tối đa.
Khoáng nóng chính là báu vật thiên nhiên ban tặng và là dịch vụ chuyên nghiệp dành cho khách hàng đam mê du lịch nghỉ dưỡng. Việt Nam bắt kịp xu hướng và đang là “điểm nóng” khoáng nóng tiên phong trên con đường du lịch wellness tại Châu Á.
Du lịch wellness kết hợp khoáng nóng với thiên hướng cân bằng sức khoẻ chính là xu thế du lịch mới đang cực hút khách trên toàn cầu. Loại hình nghỉ dưỡng này đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần của con người, giúp họ lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Ngoài tắm khoáng nóng, du khách hiện nay cũng yêu thích các loại hình nghỉ dưỡng wellness kết hợp thiền định, yoga và sáng tác nghệ thuật….
(Như Ngọc)