Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập và là khu công nghệ cao duy nhất không trực thuộc chính quyền địa phương. Sau 24 năm phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang dần trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, đô thị sinh thái, thông minh; nơi tập trung, liên kết hoạt động đào tạo nhân lực; ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao.

100 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998, tại huyện Thạch Thất và Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện khu công nghệ cao có quy mô gần 1.600 ha với các khu đô thị vệ tinh xung quanh. Tính đến nay, Ban quản lý đã thu hút được 100 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376 ha. Trong đó có 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài.

Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành thành phố khoa học công nghệ

 Công ty Cổ phần Dược Mỹ Phẩm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ứng dụng máy móc công nghệ cao để sản xuất dược liệu.

Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ cơ khí chính xác, công nghệ tự động hóa… Đặc biệt, đã có sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Đơn cử như việc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) hợp tác với Công ty Cổ phần Dược Mỹ Phẩm (CVI) trong lĩnh vực dược liệu.

Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CVI cho biết: Từ năm 2021, CVI và VKIST đã hợp tác phát triển các sản phẩm thảo dược bằng việc ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ chiết xuất, công nghệ nano bào chế, công nghệ lên men thảo dược để phát triển các sản phẩm có hiệu quả sử dụng vượt trội so với các cách bào chế thảo dược truyền thống. Hiện nay, CVI là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực dược liệu và hiện có hơn 100 sản phẩm xuất phát từ hợp tác chuyển giao và phối hợp với các viện nghiên cứu trong nước.

Nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Bên cạnh việc đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, kết nối nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc các trường đại học đặt trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như: Đại học FPT, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Việt – Nhật, Đại học Văn Lang… gắn với đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; công nghệ sinh học nông y dược; kỹ thuật hàng không… đã bước đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo và nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp. Các sinh viên được đào tạo và tốt nghiệp từ trường đại học tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã làm việc tại các dự án của doanh nghiệp chiếm khoảng 97%.

Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành thành phố khoa học công nghệ

Nhân viên của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, trong năm 2022, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã tổ chức các khóa đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, xây dựng mô hình hoạt động và kỹ năng pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tổ chức thành công đợt sát hạch công nghệ thông tin tại 3 địa điểm (Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh) với số lượng lớn thí sinh đăng ký tham dự sát hạch 2 loại hình Chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản và Chuẩn Hộ chiếu công nghệ thông tin.

Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, thời gian tới, ban quản lý sẽ tăng cường hợp tác với các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp trong việc đào tạo và cung ứng nhân lực công nghệ thông tin. Tổ chức hiệu quả các hội thảo, tọa đàm, cuộc thi khởi nghiệp kèm theo các hoạt động đào tạo, tư vấn, huấn luyện nhằm nâng cao năng lực của các nhóm dự thi, mở rộng kết nối các nhóm dự án và các doanh nghiệp.

Để thu hút nhà đầu tư và sử dụng đất, hạ tầng hiệu quả, ban quản lý sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế. Bởi đây là các lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng, điều kiện phát triển cũng như nhu cầu của thị trường lớn và cũng là những lĩnh vực Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có thế mạnh với các hệ sinh thái đang dần hình thành.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã xây dựng “Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo hướng phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(Như Ngọc)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *