Tập đoàn Onsen Fuji là chủ đầu tư dự án tổ hợp căn hộ nghỉ dưỡng Dolce Penisola. Dự án sở hữu vị trí đắt giá của phố biển Đồng Hới, Quảng Bình. Onsen Fuji ngoài sự lớn mạnh thần tốc là ‘bóng dáng’ của Tập đoàn APEC, một liên minh có tiềm lực mạnh, nổi đình đám trên thị trường bất động sản.

Theo thông tin truyền thông, ngày 18/9/2022, dự án tổ hợp căn hộ nghỉ dưỡng Dolce Penisola Quảng Bình. Dự án còn mang tên tổ hợp khách sạn dát vàng Dolce Penisola sẽ chính thức được chủ đầu tư tổ chức mở bán.

Dự án này đang nhận về sự quan tâm tích cực của giới đầu tư. Bởi, vị trí dự án được đánh giá đắc địa tại trung tâm bán đảo Bảo Ninh. Đây là nơi giao nhau giữa cung đường ven biển đại lộ Võ Nguyên Giáp và tuyến đường qua cầu Nhật Lệ 2.

Được biết, dự án không chỉ tọa lạc trên khu vực đắt giá của phố biển Đồng Hới. Mà Dolce Penisola còn hấp dẫn vì có một số tiện đặc biệt như sảnh trung tâm thương mại dát vàng, cầu kính chân mây ở độ cao 100m, bể bơi đáy kính trong suốt…

Dự án Dolce Penisola được thiết kế và xây dựng trên diện tích 8.236m2, với 2 tòa tháp cao 27 tầng. Chủ đầu tư dự án do Công ty CP Tập đoàn Onsen Fuji, đơn vị Coteccons làm tổng thầu thi công và Dolce by Wyndham làm quản lý vận hành.

Ngay trước đó, dự án Dolce Penisola được quảng bá hình ảnh, chủ đầu tư đã tổ chức lễ hội khinh khí cầu Quảng Bình với quy mô lớn. Sự kiện quy tụ 6 khinh khí cầu cỡ lớn (cấp 7-8) theo chuẩn quốc tế. Có đến hàng chục khinh khí cầu cỡ nhỏ, cùng với đó là sự đồng hành của phi đoàn bay giàu kinh nghiệm.

Sau 3 ngày tổ chức, ban tổ chức sự kiện cho biết đã thu về kết quả ấn tượng. Sự kiện đón tiếp khoảng 50.000 lượt khách, thực hiện hơn 1.000 lượt bay trải nghiệm. Đồng thời, hoàn thành trao đến tay các nhà đầu tư 1/3 quỹ hàng.

Cùng với chuỗi hoạt động phát triển dự án Dolce Penisola. Vào ngày 18/9/2022, Tập đoàn Onsen Fuji thực hiện sự kiện mở bán chính thức và cho ra mắt tòa Diamond. Sản phẩm được bán với giá từ 1,2 tỷ đồng cho một căn hộ mặt biển.

Phác thảo chân dung chủ đầu tư Onsen Fuji

Theo đó, Công ty CP Tập đoàn Onsen Fuji có tiền thân là Công ty CP Dịch vụ du lịch Onsen Fuji, được thành lập vào tháng 10/2018, trụ sở chính đặt tại phố Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Ban đầu, chủ đầu tư dự án Dolce Penisola là Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh của doanh nhân Võ Minh Hoài. Sau đó, Onsen Fuji xuất hiện và hợp tác trong vai trò là nhà phát triển dự án.

Ngoài Dolce Penisola, danh mục dự án bất động sản của Onsen Fuji phải kể đến tổ hợp công viên khoáng nóng và vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy tại Phú Thọ. Cùng với đó, tổ hợp căn hộ condotel và nhà phố shophouse thương mại Lynn Times Riverside tại Phú Yên cũng nổi tiếng không kém.

Cụ thể, dự án Wyndham Lynn Times Thanh Thủy sở hữu hạng mục công viên khoáng nóng rộng 4,4 ha. Hạng mục nghỉ dưỡng là 2 tòa khách sạn cao 30 tầng, cung cấp hơn 2.000 phòng. Dự án được xây dựng trên diện tích 1 ha ngay bên mỏ khoáng nóng.

Với dự án Lynn Times Riverside có quy mô 3 ha, được xây dựng kết hợp các loại hình như shophouse thương mại, city hotel và căn hộ khách sạn. Dự kiến sản phẩm tung ra thị trường 324 căn hộ khách sạn, 8 tòa boutique hotel và 168 căn shophouse thương mại.

Năm 2021, Chủ đầu tư Onsen Fuji đề xuất làm dự án khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh tại xã Thạch Vân và Thạch Trị (huyện Thạch Hà). Đề xuất này sau đó đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra văn bản đồng ý chủ trương cho phép đầu tư. Theo đó, dự án có quy mô 66,15ha, tổng mức đầu tư 952 tỷ đồng, thời hạn hoạt động là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án là 3 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đặc biệt, Onsen Fuji có mối quan hệ rất mật thiết với nhóm APEC gồm: IDJ, API, APS, APEC Group và APEC Holdings. Trong quá khứ, doanh nghiệp có vốn sáng lập 50 tỷ đồng, góp bởi các cá nhân gồm Nguyễn Hoàng Linh (49%, tương ứng 24,5 tỷ đồng), Đặng Thanh Tú (50%, tương ứng 25 tỷ đồng), Đặng Mạnh Quân (1%, tương ứng 500 triệu đồng).

Cụ thể, bà Đặng Thanh Tú, sinh năm 1983 là vợ ông Nguyễn Hoàng Linh, sinh năm 1979. Bà chính là người đại diện theo pháp luật thời kỳ này.

Đến tháng 11/2020, người đại diện theo pháp luật đổi sang ông Nguyễn Hoàng Linh. Đến ngày 5/7/2021, Tập đoàn Onsen Fuji tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, tức tăng gấp 20 lần so với mức khởi đầu.

Trong khi đó, ông Linh từng là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc (đến 31/3/2020) rồi thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (sàn HNX, mã chứng khoán: IDJ). Đây là nơi anh trai của ông – Nguyễn Đỗ Lăng (sinh năm 1974) cũng là thành viên HĐQT. Ông Linh từng cầm 157.000 cổ phiếu IDJ, tương ứng 0,48%, nhưng đã bán hết vào ngày 28/4/2020.

Công ty CP Đầu tư IDJ có vốn điều lệ 668,3 tỷ đồng, hiện do ông Phạm Duy Hưng làm chủ tịch HĐQT (thay ông Hán Kông Khanh – người làm chủ tịch HĐQT từ 1/42020 đến 4/5/2021).

Ông Hưng cũng đang đồng thời là chủ tịch HĐQT của Công ty CP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, sàn HNX, mã APS) mà APS lại đang là cổ đông lớn của IDJ (5,06%). Tại APS, ông Nguyễn Đỗ Lăng từng làm chủ tịch HĐQT (tháng 5 – 7/2020) và hiện đang đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc.

Ngoài IDJ, ông Nguyễn Hoàng Linh còn từng làm thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (Đầu tư APEC, sàn HNX, mã chứng khoán API) – nơi người anh trai Nguyễn Đỗ Lăng từng làm chủ tịch HĐQT và hiện là thành viên HĐQT.

Ở API, ông Hán Kông Khanh cũng từng làm chủ tịch HĐQT (từ 9/7/2020 – 15/6/2021, sau thay bằng bà Nguyễn Thị Thanh) còn ông Phạm Duy Hưng làm phó tổng giám đốc.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cũng gắn bó chặt chẽ với Công ty CP Tập đoàn Apec Group – pháp nhân được lập ra vào ngày 24/11/2017. Đây đều là các cổ đông tại IDJ.

Tiềm lực của Tập đoàn Onsen Fuji

Tài liệu Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Onsen Fuji đạt hơn 4.010 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm. Tài trợ cho tăng trưởng, chủ yếu nhờ khoản mục “Phải thu dài hạn khác” tăng từ 83,6 tỷ đồng lên 1.233 tỷ đồng. Theo sau là “Chi phí xây dựng cơ bản dở dang” tăng từ 230,9 tỷ đồng lên 1.033 tỷ đồng, cũng như giá trị “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn” tăng thêm 325 tỷ đồng, đạt 538 tỷ đồng…

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn Onsen Fuji cũng tăng nhanh trong năm 2021, gấp gần 3 lần cùng kỳ, dừng ở mức 2.218 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh nghiệp phát sinh 412 tỷ đồng “phải trả ngắn hạn khác”, và hơn 1.015 tỷ đồng “doanh thu chưa thực hiện dài hạn”.

Chưa rõ đây là doanh thu “gối đầu” tại dự án nào của Onsen Fuji, nhưng chắc hẳn không thể đến từ Dolce Penisola. Trong năm 2021, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình đã ra thông báo rằng dự án này chưa đủ điều kiện huy động vốn. Đồng thời khuyến cáo người dân khi thực hiện các giao dịch mua bán, góp vốn tại Dolce Penisola cần tìm hiểu, kiểm tra chặt chẽ điều kiện, giấy tờ pháp lý có liên quan để tránh rủi ro trong việc đặt cọc, kí quỹ, góp vốn đầu tư kinh doanh.

Năm 2021, Chủ đầu tư Onsen Fuji lần đầu ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ với 73,4 tỷ đồng. Nhưng dưới sức ép của các chi phí như giá vốn, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn lỗ thuần 1,2 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, tương tự diễn biến năm 2020.

Để có lợi nhuận, Tập đoàn Onsen Fuji phải dựa vào nguồn thu nhập khác với 3,1 tỷ đồng. Thông qua đó đẩy lợi nhuận sau thuế về mức 168 triệu đồng. Dù vậy, đây vẫn là con số rất khiêm tốn với quy mô cỡ “khủng” của doanh nghiệp.

Một điểm đáng lưu tâm, đó là dòng tiền thuần kinh doanh của Onsen Fuji âm đến 929,5 tỷ đồng, bi quan hơn rất nhiều mức 235,6 tỷ đồng trong năm 2020. Nhằm vá lấp sự thiếu hụt từ dòng tiền nòng cốt, và để duy trì hoạt động kinh doanh, Onsen Fuji phải tăng cường dòng tiền tài chính, nâng lên mức 1.166 tỷ đồng, chủ yếu là tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu với 1.182 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng phải tăng số tiền đi vay trong năm lên 150 tỷ đồng, cao hơn gần gấp đôi so với năm 2020.

Liên quan đến hoạt động tín dụng, tháng 3/2022, Onsen Fuji đã đem thế chấp các quyền tài sản và lợi ích phát sinh, thuộc dự án Dolce Penisola cho phía Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội.

Cụ thể, đó là các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại dự án; quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm… phát sinh từ hợp đồng và các phụ lục hợp đồng mà chủ đầu tư giao kết trong quá trình đầu tư, xây dựng, kinh doanh, phát triển dự án.

Cuối cùng là các khoản phải thu, các khoản phí mà Onsen Fuji thu được trong quá trình đầu tư, xây dựng, kinh doanh và phát triển Dolce Penisola.

(Như Ngọc)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *