Thành phố Hà Nội dự kiến có thêm 2 quận vào năm 2023. Đến năm 2030, thủ đô dự kiến có thêm 6 huyện lên quận, nâng tổng số đơn vị hành chính cấp quận lên con số 20.

Mới đây, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký quyết định ủy quyền cho 5 huyện lập đề án lên quận trong giai đoạn 2023-2025. Cụ thể, các địa phương nằm trong danh sách này gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng.

Đồ án được dự kiến hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12. Trong khi đó, tiến độ đạt được tiêu chí lên quận của các địa phương hiện đang có sự chênh lệch.

Tiến độ lên quận của các huyện tại Hà Nội

Tiêu chí xây dựng huyện thành Quận là 27 tiêu chí. Trong đó huyện Đan Phượng đạt 21 tiêu chí;

huyện Đông Anh đạt 26 tiêu chí; huyện Gia Lâm đạt 25 tiêu chí; Hoài Đức đạt 22 tiêu chí và Thanh Trì đạt 24 tiêu chí.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: việc “dàn hàng ngang” đưa cả 5 huyện lên quận cùng lúc là bài toán khó thành công. Do đó, thành phố Hà Nội đang ưu tiên và tập trung nguồn lực để đưa huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2023. Các huyện còn lại sẽ được xem xét để lên quận trong năm 2024 – 2025.

Hiện tại, huyện Đông Anh chỉ còn thiếu một tiêu chí lên quận đó là tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật. Điều này muốn đạt được, huyện cần đầu tư hệ thống thu gom dẫn nước thải về Nhà máy xử lý nước thải cục bộ tại một số thôn.

Theo UBND huyện Đông Anh, trong năm 2022, địa phương hoàn thành 81 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Nhằm khớp nối đồng bộ hạ tầng giữa các khu đô thị mới và khu dân cư hiện có.

Trong khi đó, hai tiêu chí mà huyện Gia Lâm còn thiếu để lên quận là cơ sở y tế đô thị và cân đối thu chi ngân sách. Để giải quyết, huyện có chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm với tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai trong năm 2023-2025 với quy mô nâng cấp, mở rộng bệnh viện từ 150 giường lên 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn.

Ngoài ra, huyện Gia Lâm cũng cấp kinh phí đầu tư nhiều dự án khác bao gồm cải tạo, chỉnh trang ao đình, sân chơi, vườn hoa, cây xanh…

Với các huyện còn lại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đánh giá khối lượng công việc để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt là rất lớn. Còn một số tiêu chí chưa được thống nhất giữa huyện và sở, ngành, gây ra những bất cập.

Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành phố xem xét, điều chỉnh lộ trình thực hiện đề án của 5 huyện. Các huyện Đông Anh và Gia Lâm hoàn thành đề án lên quận năm 2022 – 2025. Trong khi, 3 huyện còn lại báo cáo để thành phố điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành đề án.

Thêm vào đó, giai đoạn 2026 – 2030, thành phố định hướng 3 huyện lên quận gồm: Thường Tín Mê Linh, Thanh Oai.

Thành phố trực thuộc thủ đô và đô thị vệ tinh

Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2031 phê duyệt đầu tháng 10, Hà Nội có định hướng phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển kinh doanh lên quận. Lưu ý, địa phương dự kiến xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô.

Việc này được triển khai theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, xác định sẽ xây dựng thành phố trực thuộc thủ đô Hà Nội ở vùng phía bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Cùng với các đồ án quy hoạch lên quận và thành phố, Hà Nội cũng định hướng 5 đô thị vệ tinh bao gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Theo quy hoạch chung Thủ đô giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045, các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập. Đồng thời, các nơi này hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm.

Trừ Hòa Lạc, 4 đô thị vệ tinh còn lại được thành phố phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2015 với tổng diện tích trên 20.000 ha. Sau nhiều năm, khu vực này vẫn đang dậm chân tại chỗ ở khâu giải phóng mặt bằng.

Riêng Hòa Lạc có diện tích 17.274 ha, lớn nhất trong số các đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, hạ tầng nơi đây vẫn ngổn ngang, chưa thể thành hình.

Vào năm 2021, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai từng đề xuất thành phố cho phép nghiên cứu thành lập thành phố Sơn Tây trực thuộc Hà Nội, dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Sơn Tây.

Thành phố sau đó chưa có thêm ý kiến về đề xuất này, mặc dù trước khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, Sơn Tây từng là thành phố trong 10 tháng.

(Như Ngọc)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *