Việt Nam được xem là điểm du lịch lý tưởng cho những người thích sống chậm. Đây không chỉ là địa điểm dừng chân tham quan thông thường mà còn là thời gian để du khách nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe.

Sydney Morning Herald, nhật báo có tuổi đời lâu nhất Australia, gợi ý 12 điểm đến dành cho những du khách thích việc du lịch chậm (slow travel). Một trong những nơi đó là Việt Nam – đất nước mà du khách vừa đi du lịch vừa có thể kết hợp nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe.

Du khách được khuyên tham gia các buổi tập yoga, đạp xe, đi bộ đường dài, sử dụng các phương pháp trị liệu sức khỏe, trẻ hóa và giải độc ở spa. Khách cũng nên tham gia lớp học nấu ăn của người địa phương, chế biến các món từ nguyên liệu hữu cơ. Sau tất cả là những giây phút vui vẻ, sôi động bên các bãi biển ở Phú Quốc – hòn đảo du lịch nổi tiếng ở Việt Nam hay du thuyền trên vịnh Lan Hạ, một trải nghiệm thay thế cho vịnh Hạ Long đã quá quen thuộc.

Các trải nghiệm khác cũng được nhắc đến trên thế giới gồm có: tới châu Âu tham gia vào một chuyến du lịch đường sông và khám phá những ngôi làng nhỏ, tìm hiểu văn hóa và cuộc sống chậm rãi ở Hawaii, New Zealand hay tới những địa điểm hành hương nổi tiếng như con đường Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha.

Theo nhận định của báo Australia, du lịch chậm được miêu tả như một triết lý, một lối sống và phong cách du lịch mới. Đây là hình thức người tham gia không đi theo những lịch trình có sẵn.

Cuộc sống hiện đại khiến con người càng muốn tìm cách sống chậm lại. Hơn 10 năm trước, du lịch chậm là một phong trào. Nhưng hiện nay khi tính bền vững được đặt lên hàng đầu trong các trải nghiệm, du lịch chậm như một điều cần thiết hơn là mốt.

Việc du lịch chậm giúp chúng ta có thời gian để hiểu rõ hơn về điểm đến, kết nối với người dân và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương. Đặc biệt sau khi thế giới đối mặt với đại dịch, biến đổi khí hậu, các điểm du lịch ngày càng quá tải, du lịch chậm càng phù hợp hơn.

“Ngày càng nhiều du khách tự hỏi họ muốn gì ở một kỳ nghỉ và trái đất này có gì từ kỳ nghỉ đó của họ. Câu trả lời sẽ là: đừng vội vàng, sống chậm lại, suy ngẫm nhiều hơn. Nếu đi chậm, chúng ta sẽ thấy mình ít bị quấy rầy hơn, cũng như ít phải đối mặt với sự vất vả của việc di chuyển”, Brian Johnson, chuyên gia du lịch người Anh, nói.

(Như Ngọc)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *