Du khách đến xứ Thanh nhất định phải ghé thăm đền cổ Quan Thánh hơn 300 tuổi trên vách đá. Ngôi đền cổ được xây dựng trên vách đá cheo leo, tạc nhiều phù điêu, khắc chữ Hán cổ… thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Đền cổ Quan Thánh hơn 300 năm tuổi nằm ở sườn phía đông dãy núi An Hoạch (phường An Hưng, TP Thanh Hoá). Theo văn bia ghi lại, đền Quang Thánh được dựng vào cuối thế kỷ 17 thời Lê Trung Hưng. Đến thế kỷ 18, ngôi đền được Quận công Lê Trung Nghĩa tiến hành tu sửa, cho tạc thêm nhiều pho tượng trên vách núi và lòng hang động.

Tại vách núi dựng đứng phía ngoài lối dẫn lên đền có một chữ “Thần” lớn được khắc ở độ cao chừng 20 m. Ngay trên chữ “Thần” là một quả chuông đồng cổ, nặng khoảng 60-70 kg. Người dân quanh vùng không biết chuông được đúc từ bao giờ và làm cách nào có thể treo lên sườn núi dốc đứng như vậy. Quả chuông này hiện không hoạt động, nằm lộ thiên và còn khá nguyên vẹn, bề mặt vẫn rất sáng không han gỉ.

Chân dung Quận công Lê Trung Nghĩa được chạm khắc với khuôn mặt quắc thước trong trang phục nhà binh cũng được tạc cạnh con đường lên đền…

Trên vách đá phía cửa tiền và hậu của đền Quan Thánh được chạm khắc nhiều tượng voi, ngựa đá và một số quan quản tượng hay giám mã đứng kế bên.

Đặc biệt, trong động Quan Thánh có bức phù điêu rộng khoảng 2,5 m, cao 1,5 m khắc chân dung Quan Công và nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng khác đang cùng ngồi đàm đạo, luận bàn binh pháp…

Tiến sĩ Lê Thị Thảo, Trưởng khoa Văn hóa xã hội (Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa), cho hay: hệ thống phù điêu trên vách đá thuộc di tích đền Quan Thánh thuộc loại hiếm có. Chất lượng nghệ thuật tạo hình đỉnh cao đạt tiêu chuẩn ở thế kỷ 18, không chỉ ở Thanh Hóa mà trên phạm vi cả nước.

Phía ngoài đỉnh động Quan Thánh có bốn chữ Hán cổ “Thiên cổ vĩ nhân” được người xưa khắc khổ lớn trên mặt đá mài nhẵn.

Bên cạnh đó, xung quanh đền còn hàng chục bài thơ, văn bia chữ Hán, chữ Nôm cổ do các bậc văn nhân, nho sĩ và quan lại đương thời khắc đề trên vách đá lúc đi tham quan. Nội dung nhằm ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú ở núi Nhồi (xưa còn gọi là núi Khế) và tài nghệ của người thợ xưa kia rất tài hoa khi tạo tác công trình độc đáo này. Các tấm bia trước đây được để mộc, rêu phong phủ mờ theo thời gian nhưng gần đây đã bị những người trông coi đền dùng sơn màu vàng và đỏ tô vẽ lại.

 

 

 

 

 

Hàng năm di tích đền Quan Thánh thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương đến vãn cảnh, thắp hương nhất là dịp ngày rằm, đầu tháng hoặc lễ Tết.

Cách đền Quan Thánh khoảng 300 m là ngôi đền Thượng cũng được dựng trên một đỉnh núi mồ côi rất độc đáo.

Trên đền Thượng hiện còn một quần thể tượng quan văn võ, voi đá, ngựa đá và hương án được tạc từ hàng trăm năm trước. Những bức tượng này nặng hàng tấn song chưa rõ bằng cách nào mà những người thợ xưa đã vận chuyển được lên sườn núi như vậy.

Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi cách đền Quan Thánh và đền Thượng không xa. Ba di tích này cùng với lăng Quận Mãn, chùa Tiên Sơn hợp thành cụm di tích lịch sử An Hoạch, được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1992.

Toàn cảnh ngọn núi Nhồi nơi có bốn trong năm di tích thuộc cụm di tích lịch sử An Hoạch.

Nhiều năm nay, bảo tồn cụm di tích lịch sử An Hoạch là việc đang bị bỏ ngỏ. Lãnh đạo thành phố Thanh Hoá cho hay: chính quyền địa phương đang đẩy mạnh công tác quản lý, lập quy hoạch để xây dựng nơi đây thành khu du lịch trọng điểm trong thời gian tới.

(Như Ngọc)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *