Nhằm thực hiện Chương trình khung xúc tiến du lịch năm 2023, tỉnh Phú Thọ quyết định đầu tư 5 tỷ đồng để phát triển du lịch. Số tiền này đến từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, huy động xã hội hóa.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động giới thiệu giá trị văn hóa du lịch vùng đất Tổ, các sản phẩm du lịch tỉnh Phú Thọ, quảng bá, xúc tiến thu hút, mời gọi đầu tư khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2887/QĐ-UBND về việc phê duyệt chương trình khung xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2023.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 5 tỷ đồng, theo đó tỉnh Phú Thọ sẽ huy động các nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, huy động xã hội hóa để thực hiện chương trình.

Cụ thể, chương trình sẽ hỗ trợ kết nối, phát triển tour – tuyến, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch Phú Thọ. Trong đó, tổ chức điểm đón khách, tư vấn, hỗ trợ kết nối du lịch Phú Thọ; hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đặc thù, điểm tham quan du lịch. Thông tin, quảng bá du lịch qua mạng công nghệ thông tin và qua các công cụ truyền thông đa phương tiện.

Đồng thời, tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch, tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch. Tổ chức hoạt động kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Phú Thọ. Cũng thông qua chương trình sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt các động du lịch.

Ngành Du lịch Phú Thọ hiện đang triển khai có hiệu quả Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, tạo nên nhiều tuyến liên kết du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách đến thăm quan du lịch như: “Hành trình về nguồn”, “Du lịch liên kết – Vòng cung Tây Bắc”, “Tour du lịch hàng ngày Hà Nội – Phú Thọ”; Chương trình du lịch quốc tế đường sông với loại hình “du lịch văn hóa di sản – trải nghiệm làng nghề”; du lịch khoáng nóng Thanh Thủy… thực hiện liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ qua việc đón khách du lịch từ sân bay Nội Bài đến thăm quan du lịch, lưu trú tại Phú Thọ và đi thăm quan các tỉnh Tây Bắc.

Trong gian tới, du lịch Phú Thọ sẽ xây dựng nhân rộng loại hình “Du lịch học đường” hướng tới đối tượng khách học sinh, sinh viên trong tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực với hoạt động trải nghiệm ngoại khóa văn hóa du lịch về nguồn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử… Hiện lượng khách thăm quan đến Phú Thọ và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đạt từ 6,5-8 triệu lượt khách mỗi năm.

Đồi chè Long Cốc (xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) được mệnh danh là “chốn bồng lai trên đất trung du”.

Ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Ngành du lịch Phú Thọ luôn định hướng mục tiêu là phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Tổ. Thời gian tiếp theo, du lịch Phú Thọ sẽ xây dựng thêm một số các loại hình du lịch mới như: Sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn; sản phẩm du lịch học tập – du lịch học đường… sẽ tạo ra các điểm mới thu hút du khách”.

Để khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương thúc đẩy du phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, cũng theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Phú Thọ sẽ tiếp tục khai thác, phát huy giá trị 02 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là: Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương.

Cùng với đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng gắn với văn hóa vùng đất Tổ, lợi thế thiên nhiên, con người và sản vật địa phương. Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững.

(Như Ngọc)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *