Theo báo cáo kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022 của Tổng cục thống kê cho biết: lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt hơn 3,66 triệu lượt người.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 cao gấp 23,3 lần so với năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, lượng khách đến vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Tháng 12/2022, Việt Nam đón hơn 707 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 18,5% so với tháng trước. Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3,66 triệu lượt người, trong đó Hàn Quốc là thị trường đóng góp lượng khách đến lớn nhất.

Trong tổng số hơn 3,66 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 3,277 triệu lượt người, chiếm 89,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,5 lần so với năm trước. Khách quốc tế đến bằng đường bộ đạt 380,9 nghìn lượt người, chiếm 10,4% và gấp 8,4 lần; bằng đường biển đạt 3,1 nghìn lượt người, chiếm 0,1% và gấp 5,1 lần.

Hàn Quốc vẫn là thị trường đóng góp lượng khách quốc tế đến Việt Nam lớn nhất với 201.489 lượt khách đến trong tháng 12. Tính chung cả năm, lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam ước đạt 965.366 lượt người.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành năm 2022 tăng cao so với năm trước như: Cần Thơ gấp 10,3 lần; Bình Định gấp 9,3 lần; Khánh Hòa gấp 8,2 lần; Thừa Thiên Huế gấp 8 lần; Đà Nẵng gấp 6,7 lần; Hà Nội gấp 4,1 lần; Hải Phòng gấp 3,8 lần; Thành phố Hồ Chí Minh gấp 1,9 lần…

Về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2022, một số địa phương có mức tăng cao hơn so với năm 2021 là: Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 155,6%; Khánh Hòa tăng 151,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 121,6%; Cần Thơ tăng 121,3%; Lâm Đồng tăng 118,4%; Đà Nẵng tăng 83,5%; Hà Nội tăng 80,4%; Quảng Ninh tăng 57,8%.

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này trong năm 2023, toàn ngành Du lịch tập trung vào việc công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành triển khai ”Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030”, Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt. Công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm. Cụ thể, ngành Du lịch sẽ tham gia các sự kiện quốc tế như: Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ du lịch ITB tại Berlin – Đức; Hội chợ du lịch WTM tại London, Vương quốc Anh.

Tổng cục Du lịch cũng tổ chức truyền thông du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn. Đồng thời phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thị trường trọng điểm như ASEAN, Đông Bắc Á, Australia, châu Âu, Bắc Mỹ. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 tại địa phương này với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”.

(Như Ngọc)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *