Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình được xem xét mở rộng. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT đang được xem xét chuyển cơ quan thẩm quyền, từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND tỉnh Hòa Bình…

Cử tri tỉnh Hòa Bình vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư hàng loạt dự án quan trọng trên địa bàn.

NGHIÊN CỨU MỞ RỘNG QUỐC LỘ 21A VÀ NÂNG CẤP TỈNH LỘ 433

Cụ thể, tỉnh Hòa Bình kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư mở rộng Quốc lộ 21A, đoạn qua huyện Lạc Thủy đấu nối với đường 12B đoạn qua huyện Kim Bôi, huyện Cao Phong đấu nối với Quốc lộ 6 (đỉnh dốc Cun) nhằm đồng bộ hệ thống giao thông, thuận lợi cho lưu thông và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Cùng với đó, sớm triển khai nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 433 thành đường Quốc lộ 32D, tiêu chuẩn đường cấp IV – miền núi, 2 làn xe với tổng chiều dài khoảng 79 km.

Trả lời các nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải, cho biết về đầu tư Quốc lộ 21, bộ thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình về nhu cầu đầu tư, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 21 nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cho tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung.

Tuy nhiên, “do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư nên chỉ tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, chưa thể cân đối bố trí đầu tư cho tuyến quốc lộ này”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ khó khăn.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình và sẽ quan tâm ưu tiên đầu tư khi cân đối được nguồn lực.

Còn đối với tuyến đường ĐT.433, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Bộ Giao thông vận tải cho hay tuyến đường này được quy hoạch thành Quốc lộ 32D và xác định các tuyến đường tỉnh chỉ nâng lên quốc lộ sau khi đảm bảo quy mô quy hoạch.

“Hiện nay, ĐT.433 là tuyến đường do địa phương quản lý và đầu tư, vì vậy, UBND tỉnh Hòa Bình cần chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư nâng cấp tối thiểu đạt quy mô cấp IV, 2 làn xe”, Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu, chuyển thành Quốc lộ 32D theo quy định.

ỦNG HỘ ĐỀ XUẤT NÂNG CẤP QUỐC LỘ 6

Cũng tại văn bản này, tỉnh Hoà Bình đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép huyện Lương Sơn đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6, đoạn qua thị trấn Lương Sơn và các xã Hòa Sơn, Lâm Sơn, để đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị huyện Lương Sơn lên thị xã vào năm 2025 và lên thành phố trong tương lai. Đồng thời, xem xét rút ngắn thời gian thu phí tại Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6 Lương Sơn – Hòa Bình.

Hiện nay Quốc lộ 6 đoạn từ thị trấn Xuân Mai – thành phố Hòa Bình do Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình đầu tư cải tạo, nâng cấp và có thu phí.

Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ 6 khảo sát thiết kế bổ sung cống thoát nước ngang đường để khắc phục tình trạng ngập úng tại khu vực xã Hòa Sơn, khu Đông Dương và khu Bãi Lạng thị trấn Lương Sơn.

Liên quan đến việc đầu tư mở rộng Quốc lộ 6, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường phù hợp với quy hoạch để giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đề nghị UBND tỉnh Hoà Bình nghiên cứu, đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6 theo quy hoạch và kiến nghị của cử tri.

Còn về rút ngắn thời gian thu phí tại trạm thu phí BOT Quốc lộ 6 Lương Sơn

– Hòa Bình, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 2.989 tỷ đồng, được khởi công tháng 5/2014, đưa vào khai thác ngày 31/10/2018, thời gian thu phí 27 năm 6 tháng.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với nhà đầu tư, UBND tỉnh Hòa Bình và UBND thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thành công tác quyết toán chi phí đầu tư xây dựng dự án, cập nhật, tính toán để chuẩn xác tổng vốn đầu tư làm cơ sở xem xét, điều chỉnh thời gian thu phí cho phù hợp.

Trước đó, dự án này dấy lên nhiều lo ngại vì dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình vẫn chưa thu phí hoàn vốn xong nhưng lại được đề cấp nâng cấp, mở rộng dự án. Do đó, phải xử lý được bài toán lợi ích giữa nhà đầu tư đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện hữu và nhà đầu tư dự án PPP mở rộng tuyến đường này, tránh dẫn tới tình trạng BOT “chồng” BOT.

Về bổ sung cống thoát nước ngang đường để khắc phục tình trạng ngập úng tại khu vực xã Hòa Sơn, khu Đông Dương và khu Bãi Lạng, thị trấn Lương Sơn, để đảm bảo khắc phục tình trạng ngập úng tại các vị trí nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát để sửa chữa, bổ sung cống rãnh thoát nước trên tuyến, khắc phục tình trạng ngập khi trời mưa.

Trên cơ sở chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam tại Công văn số 1904/CQĐBVN-QL,BTKCHTGT ngày 14/12/2022, Công ty BOT Quốc lộ 6 đang lập phương án, hoàn thiện hồ sơ để trình duyệt, dự kiến thi công trong quý 1/2023, hoàn thành trước mùa mưa năm 2023.

(Như Ngọc)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *