Nét đẹp văn hóa Hội An nổi tiếng đi vào lịch sự được nhiều bạn bè năm châu yêu mến. Phố cổ Hội An là sự gặp gỡ, giao thoa của nhiều nền văn hóa. Nét đẹp được thể hiện ở phong tục tập quán, văn học dân gian, ẩm thực, phong cảnh, lễ hội truyền thống…Bạn muốn đến Hội An thăm thú thì đừng bỏ qua những thông tin sau đây nhé!

Văn hóa Hội An khác với kinh thành Huế với những di sản văn hóa mang tính chất cung đình. Phố cổ Hội An lại thiên về tính đời thường, có ở mỗi gia đình, mỗi người dân. Trong hành trình du lịch Hội An sắp tới, bạn hãy cùng khám phá về nền văn hóa đặc sắc nơi đây nhé!

1. Văn hóa Hội An qua nét cổ kính, trầm lắng

Hội An là điển hình tiêu biểu về cảng thị truyền thống ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung với những công trình kiến trúc “lão niên” có từ thế kỷ XVII – XIX. Hội An đã từng trải qua bao năm tháng với sự bào mòn của mưa gió, chiến tranh. Đến nay, những công trình nơi đây vẫn giữ nguyên giá trị thẩm mỹ cho tới ngày nay.

1.1. Kiến trúc nổi bật của phố cổ Hội An

Khu phố cổ Hội An nằm trong phường Minh An với diện tích khoảng 2km2. Phố cổ nổi bật nhờ những con đường ngắn, hẹp, chạy dọc – ngang theo kiểu bàn cờ vô cùng thú vị.

Hội An chính là minh chứng sống động nhất cho quá trình hình thành, hưng thịnh và suy tàn của đô thị xưa. Nơi đây là sự pha trộn và giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, của các công trình kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng. Bạn có thể thấy các hội quán, đền miếu là những công trình tiêu biểu cho dấu tích của người Hoa. Đó còn là những mái nhà mang đậm nét kiến trúc truyền thống của người Việt hay các ngôi nhà phong cách Pháp. Các công trình này đều “chở nặng” giá trị văn hóa của phố cổ Hội An từ xa xưa đến nay.

Bước chân vào khu phố cổ, chúng ta có thể cảm nhận được tính nghệ thuật của những dãy nhà san sát mang nét đặc trưng của các nền văn hóa khác nhau. Thông qua đó, một nền văn hóa Hội An đặc sắc, hòa nhập chứ không hòa tan, luôn được kế thừa và phát huy.

1.2. Kiến trúc nhà ở truyền thống chỉ có tại phố cổ

Hội An đặc sắc nhờ kiểu nhà vô cùng phổ biến đó là những ngôi nhà phố hình ống 1 – 2 tầng. Các ngôi nhà được thiết kế với chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài. Vật liệu chính dùng để xây dựng nhà ở đều có sức chịu lực, độ bền cao. Bởi, khí hậu miền Trung khắc nghiệt, thường gánh chịu bão lụt hằng năm.

Các ngôi nhà phố của Hội An phần lớn hình thành vào thời kỳ thuộc địa nhưng trong khu phố cổ vẫn còn gìn giữ nhiều di tích phản ánh các giai đoạn lịch sử của đô thị.

Cụ thể, các công trình kiến trúc từ thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVIII thường mang chức năng cơ bản, chịu tác động bởi nền kinh tế, yếu tố cảng thị của Hội An. Các công trình tiêu biểu trong giai đoạn này là những bến thuyền, chùa chiền, đền miếu, giếng nước, cầu, mộ, nhà thờ tộc, thương điếm,…

2. Văn hóa ẩm thực Hội An đa dạng, tinh tế

Với vị trí cửa sông – ven biển, là nơi gặp nhau của các tuyến giao thông đường thủy, hội tụ kinh tế và văn hóa trong nhiều thế kỷ, văn hóa Hội An về ẩm thực có nhiều sắc thái riêng biệt.

Hội An không sở hữu những cánh đồng lúa lớn nhưng lại có các cồn bãi ven sông màu mỡ và những thửa ruộng hẹp giàu phù sa. Môi trường sông biển ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, phong tục tập quán và thói quen ẩm thực của người dân địa phương. Trong bữa ăn hằng ngày, người dân Hội An đặc biệt ưa chuộng thủy hải sản. Cá là món ăn không thể thiếu trong khẩu phần hằng ngày của người dân nên họ quen gọi khu vực bày bán thức ăn là chợ cá.

3. Văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng

Đề cập tới văn hóa Hội An, không thể không nhắc tới âm nhạc dân gian, trò chơi truyền thống. Các hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian tại đây kết tinh từ quá trình lao động của người dân địa phương và đến nay vẫn được gìn giữ trọn vẹn. Có thể kể đến các điệu hò giựt chì, hò khoan, hò kéo neo hay những điệu vè, điệu lý, các hình thức hát tuồng, bả trạo, hô bài chòi,…

4. Văn hóa Hội An và các lễ hội truyền thống

Hội An hiện vẫn gìn giữ nhiều loại hình lễ hội truyền thống như: Lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội tưởng niệm những vị tổ sư ngành nghề, lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân,… Quan trọng nhất chính là lễ hội đình ở các làng ven đô thị. Thông thường, mỗi làng đều có 1 ngôi đình để thờ thành hoàng cùng các vị tiền nhân.

Hằng năm, thường vào dịp đầu xuân, các làng lại mở lễ hội để bày tỏ sự kính ngưỡng trước vị thánh của làng mình, tưởng nhớ công lao của các vị tiên hiền. Lễ cũng thường diễn ra trong 2 ngày: Ngày đầu tiên làm lễ cáo yết, ngày thứ hai là ngày tế chính thức.

(Như Ngọc)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *